Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị vừa chủ trì cuộc họp với các ngành, địa phương về tình hình triển khai dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đánh giá trung tâm điện khí LNG Hải Lăng là dự án trọng điểm để quy hoạch Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung. Từ đó, lãnh đạo địa phương này yêu cầu các ngành, cơ quan cần khẩn trương phối hợp tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án.

 

Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T Group đề xuất dự án điện khí LNG 4,4 tỷ USD trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị vào tháng 12/2019.

Theo báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trung tâm điện khí LNG - giai đoạn 1, 1.500 MW do Sở Công Thương lập ngày 30/6 cho biết diện tích đất thực hiện dự án giai đoạn 1 là 97,15ha.

Cụ thể, trong đó cơ cấu hiện trạng đất bao gồm: Đất ở nông thôn và đất trồng cây hàng năm là 35,29ha; đất rừng phòng hộ là 7,06ha; đất rừng sản xuất là 34,76ha; đất trồng cây hàng năm và đất khác là 23ha; đất chưa sử dụng là 0,04ha.

Hiện trạng sử dụng đất chủ yếu là đất nông nghiệp, vì vậy phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án và phải được phép của cơ quan có thẩm quyền.

 

Sau khi nghe báo cáo của các ngành, đơn vị liên quan và phát biểu của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện kiểm tra, giám sát vốn điều lệ của các nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.

Dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng (Quảng Trị) có quy mô gần 120ha với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD do tổ hợp nhà đầu tư là Công ty Cổ phần tập đoàn T&T, Tổng công ty năng lượng Hanwha (HEC) - Tổng công ty khí Hàn Quốc (KOGAS), Tổng công ty điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO) phụ trách.

Dự án nằm trên địa phận xã Hải An và xã Hải Ba huyện Hải Lăng, thuộc khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị có công suất giai đoạn 1 là 1.200-1.500 MW, giai đoạn 2 từ 2.400 - 3.000 MW, dự kiến đi vào vận hành giai đoạn 1 từ năm 2028.

 

Tổng mức đầu tư dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD. Ảnh minh họa.

 

Có thể thấy, ông "bầu" Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch T&T Group đang nổi lên như một "tay chơi" lớn trong mảng điện gió, mặt trời đến cả các dự án LNG hàng tỷ đô.

Cụ thể, năm 2020, Tập đoàn T&T của ông bầu Đỗ Quang Hiển bắt đầu có những động thái chính thức trong lĩnh vực năng lượng điện tái tạo.

T&T đưa 4 nhà máy điện mặt trời hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 245 MW, bao gồm: Dự án Phước Ninh (45 MW), dự án Thiên Tân 1.2 (100 MW), dự án Thiên Tân 1.3 (50 MW) và dự án Hồng Liêm 3 (50 MW).

Tuy nhiên, "không phải tới năm 2020, Tập đoàn T&T mới bắt đầu bước chân vào địa hạt năng lượng. Từ 10 năm trước, bám sát chủ trương của Chính phủ, T&T đã bắt tay vào việc hoạch định chiến lược cho sân chơi khi đó vẫn còn rất mới mẻ", đại diện công ty cho biết.

Tiếp theo, đầu năm nay, tập đoàn đang nghiên cứu, có kế hoạch triển khai hàng loạt dự án điện gió tại các địa phương giàu tiềm năng trên khắp cả nước, với tổng công suất 530 MW. Theo kế hoạch, các dự án sẽ hòa lưới điện quốc gia vào tháng 10/2021.

Đồng thời, T&T đã hoạch định chiến lược phát triển các dự án năng lượng tái tạo, điện khí, cảng và trung tâm khí LNG đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với chiến lược và quy hoạch năng lượng quốc gia.

Trong những năm qua, Tập đoàn T&T đã bày tỏ sự quan tâm đến nhiều dự án điện khí lớn như Cái Mép Hạ (Bà Rịa – Vũng Tàu) tổng mức đầu tư 6 tỷ USD. Đối tác của T&T trong dự án này là Công ty Gen X Energy (Mỹ).

 

Tập đoàn T&T rất quan tâm đến cảng Cái Mép Hạ (Bà Rịa – Vũng Tàu) tổng mức đầu tư 6 tỷ USD.

Theo kế hoạch, dự án sẽ triển khai theo 3 giai đoạn: giai đoạn I (hoàn thành năm 2023), giai đoạn II (hoàn thành năm 2026) và giai đoạn III (hoàn thành năm 2030).

T&T cũng đề xuất với tỉnh Bình Thuận để đầu tư Trung tâm điện khí LNG Sơn Mỹ 3&4 tổng công suất 3 GW (1,5 GW cho mỗi giai đoạn).

Tại tỉnh Quảng Trị, tập đoàn của ông Đỗ Quang Hiển đề xuất đầu tư Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng, tổng mức đầu tư 4,4 tỷ USD.

Còn tại Hà Tĩnh, T&T muốn bắt tay cùng PV Power phát triển dự án LNG quy mô 3,5 tỷ USD tại khu kinh tế Vũng Áng…