Khởi công xây dựng khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đặt quyết tâm chính trị xây dựng khu kinh tế (KKT) đông nam bằng việc thu hút những dự án lớn đầu tư vào vùng ven biển. Nhiều dự án lớn trong khu vực được khởi công, đi vào hoạt động, bước đầu tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, việc phát triển KKT đông nam Quảng Trị đang cần những "cú huých" mang tính đột phá, mạnh mẽ hơn nữa.
Cửa Việt và hành trình về nam
Từ TP Ðông Hà về thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh khoảng 15 km. Hơn mười năm trước, nhận thức tầm quan trọng của Cửa Việt trong chiến lược phát triển kinh tế ven biển, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã quyết định thành lập thị trấn này ngay vùng cửa biển. Trên nền tảng mảnh đất có vị trí chiến lược quan trọng, một hệ thống kết cấu hạ tầng ở đôi bờ bắc - nam Cửa Việt được tỉnh tập trung đầu tư xây dựng, tạo nên sức hút mạnh mẽ cho Cửa Việt về mọi mặt. Mỗi ngày, Cảng Cửa Việt đón tàu hàng chục nghìn tấn đến làm hàng, những nhà máy, khách sạn,… mọc lên, doanh nghiệp các nơi đến tìm hiểu đầu tư, kinh doanh ngày càng nhiều, nổi bật là lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Thị trấn Cửa Việt phát triển mạnh mẽ như hôm nay đã khái quát lên tầm nhìn chiến lược của những thế hệ lãnh đạo địa phương này.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Ðồng cho biết, năm 2015, tỉnh Quảng Trị đề xuất thành lập KKT đông nam Quảng Trị gồm 17 xã của ba huyện Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng, với diện tích tự nhiên gần 23.800 ha và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Cửa Việt là điểm nhấn quan trọng của khu này để tiến về hướng chính là phía nam. Phía đông bắc Cửa Việt là khu vực phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng ven biển, phía tây bắc Cửa Việt là đầu mối hạ tầng cấp vùng với trung tâm là cảng hàng không Quảng Trị sắp được khởi công. Vùng ven biển huyện Hải Lăng là phần lõi của KKT đông nam Quảng Trị được thiết kế gồm các khu công nghiệp, khu hành chính, dân cư, du lịch, cảng nước sâu Mỹ Thủy, dịch vụ logistics, tài chính, ngân hàng, viễn thông; ngành công nghiệp, điện khí nhằm tạo ra thế và lực cho sự phát triển lâu dài của tỉnh Quảng Trị và vùng Trung Bộ. Các khu vực, điểm nhấn trong KKT bổ sung, tương hỗ lẫn nhau góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo một vùng bãi ngang ven biển, cũng như góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng trưởng công nghiệp cho tỉnh Quảng Trị.
Những ngày này, đi dọc tuyến đường ven biển từ thị trấn Cửa Việt vào phía nam, ai cũng vui mừng vì mảnh đất gió Lào cát trắng khô khốc trước đây đang đổi thay từng ngày. Những trận lũ lụt vừa qua gây ngập úng gần hết tỉnh Quảng Trị nhưng phần trung tâm của KKT nhờ cốt nền cao cho nên vẫn tránh được lũ, đã giúp các nhà đầu tư thêm vững tâm. Những tuyến giao thông huyết mạch kết nối từ quốc lộ 1 đến các xã ven biển ở vùng đông nam đã được đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, thuận lợi cho đi lại và phát triển sản xuất. Thời gian qua, để từng bước xây dựng và phát triển KKT này, nhiều nguồn lực đã được huy động để đầu tư cho kết cấu hạ tầng, nhiều dự án kinh tế có tính chất động lực đã được triển khai tạo đà cho KKT phát triển. Dự án xây dựng đường trung tâm trục dọc KKT đông nam Quảng Trị cũng vừa hoàn thành trong niềm vui mừng của nhiều người. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 630 tỷ đồng, đi qua hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, nền đường 50 m, mặt đường 34 m, dải phân cách trồng cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng qua trung tâm các xã, khu vực dân cư cùng một số hạng mục phụ trợ khác. Ðây là con đường quan trọng, kết nối các đầu mối về KKT này.
Hiện thực hóa chủ trương
Nhờ con đường động lực này, các công trình cấp thiết trong KKT đã được triển khai nhanh như cảng biển Mỹ Thủy, nhà máy sản xuất i-nốc và thép hợp kim, khu bến cảng CFG Nam Cửa Việt,… Nhà máy cung cấp nước của Công ty cổ phần Cấp nước KKT đông nam Quảng Trị làm chủ đầu tư đã được khởi công xây dựng, hiện tại sắp hoàn thành đi vào khai thác. Dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, công suất thiết kế giai đoạn 1 khoảng 95.000 m3/ngày đêm, lấy nguồn nước tại đập Trấm thuộc hệ thống thủy lợi Nam Thạch Hãn và vận hành theo các quy trình chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm chặt chẽ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt cho toàn bộ KKT cũng như các vùng phụ cận.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Võ Văn Hưng nhìn nhận, KKT đông nam Quảng Trị có nhiều lợi thế trong phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao,... hội tụ đủ điều kiện để hình thành, phát triển KKT đa chức năng, từ đó tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh. Việc phát triển kinh tế ở vùng này không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mà còn đóng góp nguồn thu ngân sách địa phương; góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động của tỉnh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cung cấp cho thị trường. Theo đồng chí Võ Văn Hưng, tỉnh Quảng Trị xem KKT là vùng động lực trong chiến lược phát triển kinh tế, trong đó điểm nhấn chính là dự án điện khí và nhiệt điện, biến Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của miền trung. Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định điều chỉnh, bổ sung KKT đông nam Quảng Trị vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển của Việt Nam giai đoạn mới, tạo điều kiện cho Quảng Trị thuận lợi hơn nữa trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, phát triển bền vững.
Ðể tạo những "cú huých" mang tính đột phá cho KKT, tỉnh Quảng Trị đã đề nghị trung ương quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên từ mỏ Báo Vàng và mỏ Kèn Bầu vào KKT. Trước đó, tại Quyết định số 60/QÐ-TTg ngày 16-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đã nêu rõ, tỉnh Quảng Trị có các dự án đầu tư như hệ thống đường ống dẫn khí mỏ Báo Vàng về Quảng Trị; hệ thống đường ống thu gom các mỏ từ Lô 105-110 và Lô 111-113 kết nối với đường ống Báo Vàng - Quảng Trị và nhà máy xử lý khí tại KKT. Trên cơ sở này, tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt "Quy hoạch phát triển khí và các dự án có nhu cầu sử dụng khí trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035", tạo cơ sở cho việc phát triển thị trường khí trên địa bàn và trong khu vực khi dòng khí được đưa vào khai thác tại Quảng Trị. Hiện, có ba dự án nhà máy điện khí đề xuất đầu tư vào khu trung tâm tiếp nhận và xử lý khí thuộc KKT này. Với tất cả những lợi thế về điều kiện tự nhiên, thủ tục pháp lý, cơ sở hạ tầng đã và đang được chuẩn bị, tỉnh Quảng Trị đề nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phát triển khí tại mỏ Báo Vàng đưa về Quảng Trị trong giai đoạn 2020-2025 cung cấp khí cho nhà máy nhiệt điện khí 340 MW của Gazprom. Còn mỏ Kèn Bầu rất gần đất liền nên khả năng khai thác, xây dựng đường ống dẫn vào đất liền thuận lợi. Mặt khác, Quảng Trị hiện đã có quy hoạch và chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết, bảo đảm cho việc phát triển ngành công nghiệp điện khí tại KKT đông nam cho nên đề nghị PVN chọn Quảng Trị là nơi tiếp bờ cho mỏ khí Kèn Bầu. Ngoài ra, tỉnh cũng quan tâm tổ chức sắp xếp những khu dân cư, tái định cư, nhất là khu vực các địa phương ven biển và cửa sông nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; qua đó tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án quy mô lớn có sức lan tỏa, thúc đẩy toàn vùng.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, để KKT phát triển bền vững, vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết trong thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Ðáng chú ý là việc chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích nhỏ đất từ rừng phòng hộ trong KKT để cho các nhà đầu tư thuê đất còn lắm gian nan. Ðể Quảng Trị thực hiện được kế hoạch trên, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các bộ, ngành T.Ư, Chính phủ để có thêm điều kiện đầu tư hạ tầng trong KKT tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai dự án. Việc làm này không chỉ khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Quảng Trị tạo dựng nền tảng cho KKT đông nam Quảng Trị phát triển, mà còn mở ra đột phá rất lớn cho nền kinh tế địa phương.
Bài và ảnh: LÂM QUANG HUY